Trong năm 2010, Viện Vật lý TPHCM lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời nối lưới tại Trung tâm y tế TP Tam Kỳ (Quảng Nam). Đây được coi là bệnh viện điện mặt trời đầu tiên ở Việt Nam.
Miền Trung giữa tiết nắng nóng gay gắt, lịch cắt giảm điện dày đặc, nhưng khu cấp cứu - Trung tâm y tế TP Tam Kỳ vẫn hoạt động bình thường, người bệnh vẫn có quạt, điện chiếu sáng, không lời than phiền vì nắng nóng.
Các trang thiết bị cứu chữa người bệnh vẫn hoạt động bình thường mà không có tiếng máy nổ, không có mùi của xăng dầu chạy máy phát điện. Nguồn điện được tạo ra bởi hệ thống pin nhiệt điện từ năng lượng điện mặt trời nối lưới được lắp đặt ngay trên mái tôn của bệnh viện.
Hệ thống pin mặt trời tại Trung tâm Y tế TP Tam Kỳ
Bác sĩ Phạm Hồng Yên - GĐ Trung y tế Tam Kỳ, cho biết: “Nhờ ứng dụng hệ thống điện mặt trời, Trung tâm chủ động được nguồn điện, nhiều ca bệnh nguy kịch được cứu sống vào những khi cắt điện. Hệ thống vừa an toàn, tiết kiệm, thân thiện và bảo vệ môi trường”.
Theo ông Trịnh Quang Dũng, đây là mô hình bệnh viện điện mặt trời nối lưới đầu tiên ở Việt Nam và là sản phẩm “Made in Việt Nam” 100%. Toàn bộ các hệ thiết bị như: PV Madicub, Madicub dự phòng, Madicub sạc mặt trời, Madicub hiển thị, Madicub USP... đều do Solarlab thiết kế và chỉ đạo chế tạo tại Cty CP Nam Thái Hà (TPHCM).
Bệnh viện điện mặt trời nối lưới đầu tiên ở Việt Nam đưa vào lưới cục bộ của bệnh viện này nguồn “điện xanh” đầu tiên. Với dàn pin mặt trời 3.000Wp năng lượng sản sinh từ 25 dàn pin, trung bình 12,20 KWh/ngày vào mùa mưa và 15,40 kWh/ngày vào mùa nắng, bệnh viện được cung cấp khoảng 600kWh/tháng và 7.200 kWh/năm. Tổng dung lượng điện mặt trời sản ra mỗi ngày đảm bảo 100% nhu cầu điện của khu cấp cứu của bệnh viện.
Theo đánh giá, cái được nhất của nguồn điện này là đảm bảo 24h/24h không còn sợ mất điện đột xuất có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Đặc biệt công nghệ SIPV đảm bảo tự động chuyển đổi sang hệ điện dự phòng một cách liên tục đáp ứng không làm mất dữ liệu máy tính và cả thiết bị phục vụ cấp cứu mà không phải chờ khởi động máy nổ mỗi khi điện lưới gián đoạn.
Dự án trên được triển khai theo Nghị định thư Việt Nam - Tây Ban Nha do Bộ ngoại giao Việt Nam ký kết. Để có được bệnh viện điện mặt trời nối lưới, nhóm nghiên cứu Solarlab thuộc Viện Vật lý TPHCM (Viện KHCN Việt Nam) bắt tay vào nghiên cứu công nghệ điện mặt trời từ năm 2005 và áp dụng thử nghiệm từ 2008 vào Villa điện mặt trời tại TPHCM.
Tuy nhiên công nghệ điện mặt trời nối lưới thế giới (BIPV) chưa thể áp dụng được ở Việt Nam vì hai lý do: Việt Nam chưa có luật cho phép hòa lưới từ các nguồn điện độc lập của tư nhân và hiện tượng mất điện (cắt điện, sự cố đường dây) vẫn còn là cơm bữa trong mùa khô hạn.
Chính vì vậy nhóm nghiên cứu Solarlab đã đưa ra ý tưởng thiết kế và phát triển công nghệ SIPV (Smart intergrated photovoltaic) đảm bảo hòa lưới một chiều, chống mất điện và có khả năng mua điện giá rẻ của EVN (giá rẻ áp dụng từ 22h hôm trước đến 4h hôm sau).
Ông Trịnh Quang Dũng - Trưởng phòng phát triển công nghệ điện mặt trời - Viện Vật lý TPHCM, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Công nghệ SIPV đã bao gồm cả công nghệ BIPV, khi có luật hòa lưới và không còn mất điện, chúng tôi sẽ bỏ van một chiều và dàn Accu tồn trữ và hệ thống sẽ trở về công nghệ BIPV như ở các nước tiên tiến”.
Linh hồn của công nghệ SIPV chính là máy PV Madicub, hay nói nôm na là bộ trộn điện mặt trời và điện lưới với quyền ưu tiên khai thác điện mặt trời. Nếu thiếu điện mặt trời mới lấy thêm điện lưới để phụ trợ. Công nghệ này cho phép chạy các máy điều hòa một cách thoải mái, không còn sợ quá tải và đưa điện có khả năng ứng dụng rộng khắp trong đời sống xã hội.
“Để điện mặt trời nối lưới được áp dụng rộng rãi, nhà nước cần sớm ban hành luật hòa lưới cho điện mặt trời nói riêng và năng lượng tự nhiên nói chung. Hy vọng trong tương lai, thật nhiều các bệnh viện điện mặt trời sẽ ra đời từ mô hình thành công của Trung tâm y tế Tam Kỳ”, ông Dũng nói. |