Năm 2012, chiến lược của Ban Lãnh đạo Công ty Tư vấn & Thiết kế Kiến trúc Việt Nam (DAC) là tiếp tục tái cấu trúc một số bộ phận để thích nghi và duy trì sự phát triển trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều thách thức; đồng thời chuẩn bị cho sự bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn 2013-2015.
Một trong những điểm “đột phá khẩu” đầu tiên cần tái cấu trúc chính là mô hình hoạt động của Khối phục vụ - hậu cần trong Công ty, cụ thể là tái cấu trúc tổ chức của các bộ phận hợp thành Khối phục vụ. Nhưng tái cấu trúc bằng cách nào?
Tái cấu trúc bằng cách nào?
Trong khoảng 10 năm gần đây, doanh nghiệp của nhiều nước cũng đối diện với những vấn đề tương tự. Giải pháp tích cực nhất được ghi nhận là xây dựng “Kiến trúc tổng thể” (Enterprise Architecture - EA) để cấu trúc lại doanh nghiệp. “Kiến trúc tổng thể” là phương pháp luận giúp dựng nên bức tranh toàn cảnh về quá trình vận động, phát triển từ trạng thái hiện thời của doanh nghiệp đến trạng thái mong muốn trong tương lai, trên nền tảng ứng dụng CNTT như một phương tiện chuyển đổi chính yếu.
“Kiến trúc tổng thể” có thể áp dụng cho tất cả các loại hình tổ chức, từ vĩ mô như một bộ, ngành đến vi mô như 1 doanh nghiệp, trường học, bệnh viện. Thông thường, để xây dựng “Kiến trúc tổng thể”, người ta lựa chọn một trong những khung kiến trúc tổng thể (EA framework) phù hợp nhất với tổ chức của mình. Trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 30 khung “Kiến trúc tổng thể” như thế, nổi tiếng nhất là các khung TOGAF, FEA, Zachman, SAM… Trong đó, TOGAF đặc biệt thích hợp cho các doanh nghiệp.
Để xây dựng “Kiến trúc tổng thể”, TOGAF hay bất cứ một khung EA nào khác đều tập trung vào việc xây dựng 4 kiến trúc hợp phần cơ bản của kiến trúc tổng thể là: Kiến trúc nghiệp vụ (Business Architecture - BA), Kiến trúc dữ liệu (Data Architecture - DA), Kiến trúc ứng dụng (Application Architecture - AA) và Kiến trúc công nghệ (Technology Architecture - TA). Trong đó, “Kiến trúc nghiệp vụ” là trung tâm vì kết quả của mọi vận động trong doanh nghiệp đều do các quy trình nghiệp vụ sinh ra và tất cả các nguồn lực trong doanh nghiệp đều gắn với các quy trình nghiệp vụ đó.
Tái cấu trúc tác động trực tiếp và làm thay đổi quy trình nghiệp vụ từ trạng thái vận động hiện tại sang trạng thái mới hoàn thiện hơn, hiệu quả hơn. Quá trình này cứ thế tiếp diễn không ngừng và cũng chính là động lực phát triển không ngừng của doanh nghiệp. Sự chuyển đổi của các quy trình nghiệp vụ đó kéo theo tất cả các yếu tố liên quan: Người thực hiện, dữ liệu, phương tiện và các nguồn lực khác.
Như vậy, có thể nói bản chất của việc tái cấu trúc hoạt động chính là thay đổi quy trình nghiệp vụ của tổ chức / bộ phận theo hướng tối ưu hơn. Với quyết tâm và những hành động cụ thể, năm 2012 sẽ là năm đánh dấu sự thay đổi về cả "hình thức" và "nội dung" của Khối phục vụ - hậu cần thuộc Công ty DAC, từng bước đưa hoạt động hậu cần trở nên hiệu quả, chuyên nghiệp, luôn sẵn sàng đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của Khối sản xuất - kinh doanh trong tình hình mới.
(* Bài viết có sử dụng một số tư liệu của các đồng nghiệp tại Tạp chí PC WORLD VIETNAM) |