Cập nhật: Thứ tư, 20/10/2010, 11:06 GMT+7 |
Trái tim “xanh” trên mái trường đại học |
Trường đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) là một trong những môi trường sư phạm châu Á được sinh viên quốc tế đặc biệt quan tâm không chỉ bởi danh tiếng, đội ngũ giảng dạy, ngành học đa dạng, mà còn bị thôi thúc bởi không gian học tập, nghiên cứu và sáng tạo. Trong số đó nổi trội nhất, đặc biệt ấn tượng nhất phải kể đến khuôn viên của khoa nghệ thuật, thiết kế và truyền thông.
Ấn tượng đầu tiên của kiến trúc là một môi trường rất xanh, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cả tổng thể là một khối kiến trúc được thiết kế hài hòa và thân thiện với không gian xanh mát từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Có thể thấy cấu trúc không hề mang dáng dấp một tòa nhà thông thường, mà là một bức họa được phối cảnh với những đường nét uyển chuyển, mềm mại và thật sự tươi mát.
Đầu tiên là hai mái cong tạo thành vòng khép kín mang hình dáng trái tim. Chính thiết kế mái nhà độc đáo này làm cả công trình thật sự nổi bật so với các cấu trúc khác. Mái nhà thoai thoải một đường cong với độ dốc 60% từ trên nóc đi là xuống mặt đất, tạo thành một lối lên xuống độc nhất vô nhị. Từ những bậc tam cấp bên dưới có thể thả bước lên trên mái nhà được bao phủ với thảm cỏ xanh mướt, tươi mát. Hơn nữa, với thiết kế mái dốc, thảm cỏ xanh bên trên còn hệ thống hứng nước mưa để tưới nước cho cây cối xung quanh. Không tạo thành một mái nhà truyền thống liền nguyên mà là hai dãy mái chụm đầu, thiết kế nhằm tạo nên khoảng không gian mở ở phần giữa, làm mát dịu không khí và tạo cảm giác sảng khoái cho các phòng học bên dưới. Không những thế, nơi đây được xem là mái nhà duy nhất trên thế giới mà sinh viên có thể tụ tập trên đó như một sân trường thứ hai. Ngoài rìa khuôn viên sân trường, có cả một góc sân mà cây trồng ở đó được “bản địa hóa” với nhiều chủng loại mang tính đặc trưng của quốc gia châu Á này. Kiến trúc và phong cảnh, thiên nhiên và kỹ thuật công nghệ tiên tiến đan xen vào nhau tạo thành một khối hợp nhất theo nguyên tắc cơ bản của kiến trúc hữu cơ. Một điểm “xanh” khác của kiến trúc gồm năm tầng này chính là những bức tường bằng kính bao phủ xung quanh. Bề mặt kính cùng hướng bắc và nam của hai dãy nhà làm giảm sự hấp thụ ánh nắng mặt trời và giữ được sức nóng, trong khi vẫn có thể giúp sinh viên trao đổi tầm nhìn không gian cảnh quan thiên nhiên bên ngoài và bên trong. Ánh sáng tự nhiên được lọc qua các tán lá của cây cối xung quanh tràn khắp vào các phòng học, giảm lượng điện tiêu thụ vào buổi sáng một cách đáng kể.
Vì là khuôn viên thuộc khoa nghệ thuật, thiết kế và truyền thông nên phần hoàn tất của công trình được cố tình “bỏ dở” trong tình trạng thô. Nhằm tạo điều kiện cho các dự án của sinh viên trong khoa mà các bức tường bêtông, cây cột, sàn nhà, các hàng rào chắn không hề được trang trí, chạm khắc hay sơn phết gì cả. Đó chính là khoảng không gian có ích cho sự sáng tạo, trí tưởng tượng được dịp phô bày. Sinh viên có thể tùy nghi phát huy óc sáng tạo của mình, miễn là ý tưởng đem lại được sự hòa hợp, tôn thêm nét độc đáo vốn có cho trường. Một ý tưởng nuôi dưỡng nghệ thuật táo bạo và cởi mở. Đây cũng là một trong những chiêu thức mời gọi sự gia nhập của sinh viên quốc tế đến học tập và nghiên cứu tại khoa.
Tổng giá trị cho đồ án với diện tích khuôn viên rộng 2km2 này là 914 triệu đôla Singapore (khoảng 652 triệu USD). Đây được xem là một thiết kế đương đại mang lại tầm nhìn và kinh nghiệm mới mẻ cho kiểu kiến trúc kết hợp cảnh quan thiên nhiên và ý thức môi trường. |
DAC Theo camnangkientruc.com |