Cập nhật: Thứ tư, 15/08/2012, 14:24 GMT+7
Thiết kế bệnh viện: Luôn thiếu một tầm nhìn?

Tò mò vì một câu nói "...Tôi thừa nhận Y tế Việt Nam đã có những tiến bộ  vượt bậc, sánh ngang tầm với khu vực và quốc tế trong gần 7 thập kỷ qua. Nhưng thất bại lớn nhất là ở chỗ: Tất cả những bệnh viện đã xây đều phải đập đi làm lại...!", phóng viên (PV) Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với chủ nhân của câu nói rất "cộm" này và được TS.KTS Lê Tuấn, người đã dành vài thập kỷ cho việc nghiên cứu thiết kế xây dựng các công trình y tế chia sẻ.


- PV: Tại sao lại có sự nhận định rất "cộm" như vậy, thưa ông ?
- TS.KTS Lê Tuấn: Đây là một thực tế, bởi chúng có quá nhiều hạn chế, tồn tại, kém phù hợp với tình hình hiện nay. Có nhiều nguyên nhân cho vấn đề này như: Quan điểm, điều kiện kinh tế, kỹ thuật, chính sách..vv, nhưng theo tôi quan trọng nhất là nó khó; "khó" đến mức làm cho người thiết kế, người sử dụng và người quản lý luôn thiếu một tầm nhìn.


TS.KTS Lê Tuấn nhận giải thưởng Top 10 BCI Asia năm 2012

- PV: Bệnh viện là một đề tài khó, vậy theo ông đâu là yếu tố then chốt khi thiết kế bệnh viện tại Việt Nam?
- TS.KTS Lê Tuấn: Bệnh viện là tập hợp các không gian phức hợp phục vụ cho nhiều đối tượng tác nghiệp đặc thù (Bệnh nhân, Y bác sỹ, Thân nhân, Quản lý, Thực tập và các đối tượng khác) trong quan hệ chi phối bởi lợi ích, với số lượng người thường gấp từ 5-7 lần số giường bệnh. Đây là công trình có yêu cầu cao về tính khả dụng, tính kỹ thuật, tính kinh tế và tính xã hội. Do vậy, thiết kế bệnh viện là một bài toán không đơn giản, nếu đáp ứng tối ưu tất cả những đặc tính đã nêu ở trên.

Ai cũng hiểu, đầu tiên bệnh viện phải phù hợp với mô hình bệnh tật của vùng nghiên cứu. Nhưng bệnh tật lại phụ thuộc vào đặc điểm tự nhiên, kinh tế, tập quán, lối sống,..và những yếu tố này luôn thay đổi theo thời gian cùng với các quá trình vận động phát triển xã hội. Hơn nữa vấn đề này luôn là sự  "mù tịt" đối với nhà thiết kế (KTS, Nhà quản lý, Nhà hoạch định chiến lược...vv) và họ không thể có tầm nhìn trong lĩnh vực này được. Nên kết quả là họ cho ra một sản phẩm 'cứng", luôn phù hợp với cái gọi là "mô hình bệnh tật "nhưng ở trong quá khứ.

Thứ hai là phụ thuộc vào quan điểm, tư tưởng kỳ vọng của các "ông chủ" rất khác nhau giữa các bệnh viện cùng loại (nặng hơn là ngay trong một bệnh viện). Quan điểm này thường được hình thành từ của tập tính tác nghiệp và thói quen sử dụng khi tu nghiệp, tham quan ở nước ngoài mang về... và chính nó tạo nên sự lai tạo phức tạp đến mức khó phân định đâu là hay đâu là dở (Người ta hay nói ở Pháp làm thế này, ở Nhật làm thế kia... và những tư tưởng này thường đưa KTS vào mê hồn trận) .

Thứ ba, là phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, kỹ thuật công nghệ công trình và Y học luôn tiến hóa, thay đổi rất nhanh theo thời gian. Bởi vậy với một bệnh viện cụ thể được thiết kế và xây dựng xong, khi đưa vào sử dụng đã trở nên lạc hậu.

Thứ tư, là phụ thuộc vào tính chất, vai trò của bệnh viện, là đa khoa hay chuyên khoa, thuộc vị trí nào trong hệ thống phân cấp bệnh viện (TW, địa phương, tỉnh, huyện) và điều này sẽ quyết định mô hình hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của bệnh viện khi thiết kế xây dựng...sao cho phù hợp với từng địa phương.

Thứ năm, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường; điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán lối sống...vv của vùng, miền nghiên cứu.

Cuối cùng, theo tôi quan trọng nhất và cũng là "yếu tố then chốt" là trình độ, tầm vóc của nhà thiết kế. Nếu "Anh" giỏi thì tất cả các tiêu chí trên đây sẽ được nghiên cứu dung hòa một cách tối ưu và ngược lại. Rất tiếc ở Việt Nam có quá ít KTS nghiên cứu chuyên sâu về bệnh viện; thông thường đứng trước một hệ thống tiêu chí phức tạp và thay đổi không ngừng trên đây, các tác giả đồ án thường lựa chọn phương án thực hiện "an toàn" bằng cách cố gắng bám sát tiêu chuẩn, quy phạm (đã quá lạc hậu) mà chưa mạnh dạn đề xuất những thay đổi phù hợp với thực tiễn và có tính tiên liệu cao. Việc này chỉ tạo ra 1 sản phẩm đúng "đường lối chính sách" nhưng chưa hay. Cũng từ đó giới KTS trở nên bị mất lòng tin trước cộng đồng xã hội về loại công trình này và đây cũng là nguyên nhân cơ bản của câu nói "cộm" ở trên.


TS.KTS Lê Tuấn - người đã có hơn 30 năm nghiên cứu thiết kế bệnh viện

- PV: Lâu nay người ta vẫn cho rằng, bệnh viện chỉ là những "Nhà máy chữa bệnh" với những khối bê tông nặng nề, xám xịt?
- TS.KTS Lê Tuấn: Nói như vậy chưa đúng! Nếu được như "Nhà máy chữa bệnh" thì quá tốt, bởi có được dây chuyền công năng chuẩn mực như "Nhà máy" thì đó lại là ước mơ mà mọi đồ án thiết kế bệnh viện đều hướng tới. Còn như "Khối bê tông nặng nề, xám xịt" là điều đáng tiếc; bởi bệnh viện ngoài sứ mệnh của nó là nơi chữa bệnh cứu người, nó còn là công trình sinh thái, công trình văn hóa, cần có yêu cầu cao về thẩm mỹ kiến trúc. Đây cũng là yêu cầu cần thiết cho người bệnh; bởi lúc đến đây cũng là lúc người ta yếu đuối nhất, ít hy vọng nhất, nên cần sự động viên nhất... Việc tạo ra một không gian y tế có thẩm mỹ cao về nghệ thuật kiến trúc là điều rất cần thiết, giúp ích nhiều cho nhiều người bệnh có thể "tự miễn, tự khỏi".

Sở dĩ là những khối "Bê tông xám xịt" là do ta chưa giỏi, chưa biết biến bệnh viện thành những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc mang lại lợi ích cho người bệnh.


BV đa khoa 700 giường - công trình do TS.KTS Lê Tuấn
làm Tổng chủ nhiệm đồ án

 
- PV: Ông đánh giá như thế nào về thiết kế bệnh viện của ta hiện nay?
- TS.KTS Lê Tuấn: Hệ thống bệnh viện của  ta hiện nay, nhìn chung là kém tính bền vững, với một số lý do sau:

Một là đa phần được quy hoạch phân tán, dàn trải và chắp vá; Đây là khuynh hướng đã phát triển phổ biến từ những năm 2005 trở về trước; khuynh hướng này sinh ra bởi điều kiện kỹ thuật công trình còn lạc hậu (chưa có thang máy), thiếu tiền (phải làm từng phần), thiếu trình độ (nên làm riêng từng khoa thường dễ hơn) và dễ xây thêm (nếu có yêu cầu tăng quy mô)..vv. Nhưng nhược điểm của nó là bất lợi về di chuyển cho mọi đối tượng, tốn nhân lực, biên chế phục vụ, chi phí sử dụng cao; giảm sự phối kết hợp, tốn diện tích hành lang, cầu thang, móng; tốn đất đai và chi phí xây dựng và đặc biệt hơn là gặp rất nhiều khó khăn khi đầu tư chiều sâu để nâng cấp về công nghệ...vv.

Hai là sự chia nhỏ, "băm nát" không gian sử dụng (kiểu buồng phòng riêng biệt). Việc bố trí không gian "cứng" như vậy sẽ trở nên rất "thừa" và rất "thiếu", giảm hiệu ích sử dụng mặt bằng, rất bất tiện khi tác nghiệp và đầu tư nâng cấp thêm máy móc công nghệ kỹ thuật hiện đại.

Thứ ba là thiếu nhiều chức năng cần thiết, cho người, hệ thống thiết bị; đặc biệt là những Block, những Labo kỹ thuật cao, tiên tiến..vv cần thiết. Trong đó nổi bật là sự thiếu tôn trọng những đối tượng được xem là "phụ" như người nhà bệnh nhân, thực tập sinh....vv.

Thứ tư là "quên" nhiều yếu tố quan trọng, Ví dụ nhỏ như: Hành lang trong bệnh viện là một trong những chức năng chính; nhưng khi thiết kế hầu hết các KTS thường quên việc thông gió cho loại này, nên khi sử dụng thì vừa bí, nóng, tanh, nồng....và  nhiều bất cập khác.

Cuối cùng là các bệnh viện không thể phát triển được nữa, bởi không tiên lượng đến yếu tố tăng quy mô giường bệnh, phương tiện, thiết bị, xe cộ..vv mà bệnh viện nào cũng cần có (từ đó mới có sự quá tải 3-5ng/giường bệnh).


BV đa khoa 500 giường - công trình do TS.KTS Lê Tuấn chỉ đạo thực hiện
 
- PV: Ông nhìn nhận thế nào về một số mô hình bệnh viện do KTS nước ngoài đã thiết kế xây dựng ở Việt Nam?
- TS.KTS Lê Tuấn: Một số bệnh viện như Việt Nhật (Bạch Mai), Việt Pháp, Vinmec, Đa khoa Bà Rịa -Vũng Tầu, Đồng Nai...vv, đã được xây dựng, thì tôi chưa thấy tính ưu việt nổi bật của nó so với tiền mà chúng ta đã trả; còn lại thì rất khó đánh giá.

Một điều quan trọng cần phải nói là ở các nước tiên tiến, bác sỹ  “phải đến” với bệnh nhân, nên trong bệnh viện của họ không gian điều dưỡng được xem trọng hơn cả (Vinmec là một điển hình). Còn ở Việt Nam thì ngược lại, bệnh nhân “phải đến” với bác sỹ; bởi vậy không gian nghiệp vụ kỹ thuật và bác sĩ vẫn luôn là  “trái tim” của bệnh viện. Điều đó lý giải cho nghịch lý có rất nhiều bệnh viện ở Hà Nội, điều kiện buồng phòng rất tốt, "rất xịn" nhưng vắng như “chùa Bà Đanh”; còn ở Bạch Mai, Việt Đức thì người bệnh vẫn chấp nhận 5 người/ giường? Vậy, cái người bệnh cần là gì, cái chính là cần chữa khỏi bệnh, chứ mục đích không phải đến để chơi, nghỉ dưỡng... với những giá cắt cổ trọng khi túi tiền lép kẹp.

Một điểm khác biệt nữa, y tế nước ngoài thường là y tế thương mại (trừ một số ngoại lệ như Cuba, Canada...) nhưng y tế của chúng ta là cứu người, trong đó có một phần phi tài chính. Cho nên không thể nào thiết kế (một cách sao chép) như mô hình của nước ngoài được; nếu có thì phải là sự vận dụng, nghiên cứu cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.


BV chuyên khoa sản nhi - công trình do TS.KTS Lê Tuấn chỉ đạo thiết kế
 
- PV: Bệnh viện khó là vậy, cách làm của DAC là gì, thưa ông ?
- TS.KTS Lê Tuấn: Đây là vấn đề lớn, cần phải nói rất nhiều, ta nên dành cho buổi đàm đạo khác, nhưng cũng xin bật mí một vài khẩu quyết như sau:

Đầu tiên cách làm của DAC là xây dựng cho mỗi đồ án một "khung lý thuyết riêng", lý thuyết này không những thỏa mãn các yếu tố phức hợp đã nêu trên đây; mà còn đề cao tính tiên lượng, tính triết lý, tư tưởng, nhân văn...hướng tới khát vọng xây dựng bệnh viện cũng là một công trình văn hóa, công trình nghệ thuật kiến trúc, thể hiện khát vọng sống, khát vọng yêu... Bệnh viện Sóc Trăng là một ví dụ với nguồn cảm hứng được vẽ nên từ câu chuyện hết sức cảm động của một cô bé trong "Chiếc lá cuối cùng của" O’Henry. Đó gần như là một hình mẫu cho sự chiến thắng bệnh tật, cho sức mạnh của mỗi con người trong cuộc đấu tranh giữa sự sống và cái chết.

Thứ hai là các bệnh viện do DAC thiết kế thường là sự hợp khối cao giữa các đơn nguyên chức năng; Hợp khối như thế nào mà vẫn đảm bảo tính phân cực cao để dễ chuyên sâu cho các đối tượng sử dụng, phân cực cao các yếu tố "sạch - bẩn"; không bị chồng chéo rối loạn, không bị trộn lẫn vào với nhau trong khi khối lượng người đông như thế. Hợp khối để kéo gần khoảng cách, nó vẫn có những không gian trống, thoáng....để "hẹn hò", "để trà dư tửu hậu".......Chuyện hợp khối như vậy không hề đơn giản, đó là cái tài của KTS, xin hẹn với PV buổi khác sẽ đàm đaọ kỹ hơn về vấn đề này.

Thứ ba là DAC đề cao việc phát triển các "kiến trúc xanh", "công trình xanh" bền vững theo hướng tích hợp được nhiều lợi ích như: Sinh thái; tiện ích phù hợp với sức khỏe của sử dụng; hòa hợp, tôn tạo và bù đắp thiên nhiên; tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; giảm thiểu các yếu tố gây ô nhiễm cho bản thân và ô nhiễm lẫn nhau; giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm cho cộng đồng và các môi trường chuyên dụng khác.

Thứ 4 là DAC đề cao việc phát triển các xu hướng "kiến trúc mới"; có công nghệ kỹ thuật tiên tiến phù hợp với điều kiện của địa phương; có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình; có khả năng ứng phó cao với những biến đổi của khí hậu; xây dựng nhanh và tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng. 

Thứ năm là đối với các bệnh viện trong diện cải tạo, DAC sẽ tạo ra sự hòa nhập tinh tế, có chọn lọc giữa những giá trị đã, đang và sẽ hình thành; trong đó những giá trị đã có cần được cải tạo nâng cấp hoặc bảo tồn cho phù hợp với nhu cầu đương đại; những giá trị đang và sẽ có sẽ hướng theo những thành tựu mới, tiến bộ mới nhằm gia tăng lợi ích và đóng góp hơn nữa vào lợi ích cho bệnh viện.

- PV:  Như vậy có thể nói rằng, chỉ đáp ứng về mặt công năng đã là rất khó, chưa nói đến cái sản phẩm trở thành công trình nghệ thuật, sản phẩm mới, xu hướng mới, công nghệ cao, đáp ứng khát vọng của con người, khát vọng về đổi mới. Công trình bệnh viện cũng như những công trình kiến trúc khác, khi thời gian thay đổi, công nghệ thay đổi, nhu cầu thay đổi thì khuynh hướng thiết kế cũng cần thay đổi theo. Vì vậy khi kiến thiết nó luôn cần một tầm nhìn! Một tầm nhìn càng xa càng tốt!  Trân trọng cảm ơn ông!


                           Báo cáo năm 2006 của Viện kiến trúc Hoa Kỳ (AIA) khi tiến hành điều chỉnh “Nguyên tắc thiết kế và xây dựng bệnh viện và cơ sở y tế” (Guidelines for Design and Construction of  Hospital and Health Care Facilities) cho biết: “Các tiêu chuẩn thiết kế công trình y tế cần được thay đổi theo chu kỳ 4 năm để theo kịp các tiến bộ y học hiện đại trong việc chăm sóc sức khỏe”. Các nghiên cứu khác ở Châu Âu và Mỹ cho thấy hiện nay, vòng đời các trang thiết bị y tế đang ngày càng trở nên ngắn hơn. Các máy móc, thiết bị y tế cồng kềnh, tiêu tốn nhiều năng lượng trước đây liên tục được thay thế bằng các thế hệ máy mới với kích thước nhỏ hơn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn, thân thiện với môi trường hơn.

Anh Trần

Tạp chí Kiến trúc Việt Nam