Cập nhật: Thứ sáu, 29/07/2011, 11:21 GMT+7
KTS Hà Quang Hùng: "Đốt đuốc để làm nghề"

Ths. KTS Hà Quang Hùng là Hiệp sỹ đầu tiên của DAC mà tôi muốn giới thiệu cùng bạn đọc. Bởi lẽ, những gì anh đã làm được, cũng như những chia sẻ, những tâm huyết với nghề của anh thực sự khiến nhiều người trong nghề phải ngạc nhiên.

 

Trụ sở Liên cơ quan cấp tỉnh (2007)
 
Tại DAC, ngoài việc tham gia công tác quản lý, công việc chính của anh là Chủ trì bộ môn Nghệ thuật kiến trúc: Nghĩa là làm kiến trúc theo định hướng nghệ thuật nhưng phải rất chuẩn xác về tính kỹ thuật và kinh tế; là làm kiến trúc bằng cách tìm những giá trị cốt lõi và tinh túy nhất, những thứ thuộc về “linh hồn” của mỗi công trình. Những thiết kế của anh là sự kết hợp tối ưu giữa nghệ thuật và kỹ thuật; đẹp nhưng phải mang tính ứng dụng cao, không đi theo xu hướng kiến trúc xa rời thực tế, viển vông, vượt quá khả năng thanh toán của nền kinh tế. Đây cũng là một điểm “cộng” quan trọng dẫn tới những thành công của anh trong nhiều đồ án hay cuộc thi kiến trúc: Bệnh viện Đa khoa Nam Định, Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng, Bệnh viện liên doanh quốc tế Hồng Hà, Khu hành chính Sóc Trăng, Trụ sở liên cơ quan tỉnh Thái Nguyên...


Bệnh viện đa khoa tỉnh 700 giường (2008)

Thật khó để viết về một ai đó, khi bản thân họ không muốn nói gì về mình. Tâm lý này dường như khá phổ biến với các thành viên của DAC. Và với KTS Hà Quang Hùng cũng không phải là một ngoại lệ. Có lẽ, anh cũng như những con người nơi đây đã quen với sự “lặng thầm”: lặng thầm sáng tác và lặng thầm cống hiến. Bản thân mỗi người đều đã sáng tạo ra rất nhiều những “công trình vàng” cho đất nước nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu và giới thiệu như thế nào về mình. Và, trên thực tế, ngay cả anh em bạn bè, người thân của họ cũng thắc mắc: Sao không bao giờ thấy họ xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng?


Trung tâm điều hành chăm sóc bệnh nhân AIDS (2005)

Từ khi đi làm, đã khi nào anh có ý định bỏ nghề Kiến trúc? Tôi đã đưa ra câu hỏi này đầu tiên khi gặp gỡ với KTS Hà Quang Hùng. Và, câu trả lời nhận được, đó là một sự khẳng định chắc nịch: “Chưa bao giờ, ngay cả những lúc khó khăn nhất”! Cũng nhờ có câu hỏi khá “ngang” này, tôi đã thấy được những nhiệt huyết với nghề của một KTS làm nghề đích thực. Với anh, thiết kế là một công việc mà anh rất say mê và rất tự hào; dẫu đâu đó, lúc này lúc khác, người này người khác vì lý do này lý do khác, có thể không đánh giá đúng thậm chí thiếu trân trọng KTS, nhưng một KTS thực thụ sẽ luôn được xã hội coi trọng nếu làm nghề một cách có học thuật. Và, thiết kế đối với anh cũng là một cách để khẳng định mình. Chỉ khác là, nếu ai đó khẳng định mình bằng địa vị xã hội, bằng sự nổi tiếng hay bằng khả năng tài chính thì với anh đơn giản là khẳng định mình qua những đồ án, những công trình “xứng tầm” mang thương hiệu “Made in DAC”.


Bệnh viện y học cổ truyền 300 giường (2006)

Cuộc trao đổi giữa tôi và KTS Hà Quang Hùng đã trở nên tự nhiên và cởi mở hơn rất nhiều, có lẽ, khi nói về nghề nghiệp, anh có quá nhiều điều để chia sẻ. Rất say nghề, nhưng Kiến trúc - với anh - không phải là một nghề nhàn hạ. Đây đó còn rất nhiều những khó khăn, mà lắm khi lại nằm ngoài phạm trù chuyên môn. Ví như, ở bên trong công ty, trong khối của mình phụ trách thì đó là tư tưởng hưởng thụ sớm, là cái “TÔI” quá lớn của một vài anh em KTS trẻ mới ra trường; ở bên ngoài thì đó là những “rào cản vô hình” của xã hội, là những “ảnh hưởng” về kinh tế - chính trị - quyền lực, là những thứ “bùng nhùng” khác, dễ làm nản lòng những người làm nghề tâm huyết. Cho nên nhiều khi phải “đốt đuốc” để thắp sáng niềm tin, để đốt cháy những tạp niệm khi đi tìm nghề và hành nghề với những giá trị căn bản nhất của nó.


Tòa nhà văn phòng trụ sở tổng công ty (2009)

Khó khăn như thế, vậy bí quyết làm nên thành công của anh ngày hôm nay là gì? Anh cho biết, bí quyết thứ nhất nằm gọn chỉ trong một đúc kết mà “Người anh cả của gia đình DAC” thường nói với các anh em: “Mỗi công trình cần phải có một khung lý thuyết!” Đó chính là “kính chiếu yêu” để tìm ra những giá trị cốt lõi “hữu hình” cũng như “vô hình” ở mỗi tác phẩm. Nghĩa là trước khi đặt bút phác thảo bất cứ một công trình nào dù lớn dù bé, anh và các đồng nghiệp ở  DAC thường phải “nghiền” cái đầu bài một cách thật thấu đáo - cả hữu hình và vô hình; sau đó dựng quanh nó một lăng kính với một ma trận các tiêu chí cần phải giải quyết - xử lý - tối ưu. Khi đã giải quyết xong “ma trận các giá trị cốt lõi” cần đạt được ấy, mới đi tìm lời giải cụ thể cho từng tiêu chí của bài toán kiến trúc bằng các nguyên lý, nguyên tắc, thủ pháp; bằng cả những vô nguyên lý, vô nguyên tắc, vô thủ pháp... và cuối cùng tìm ra đáp án là hình hài công trình cụ thể với một chuỗi các giá trị đã được tối ưu. Bí quyết thứ hai là điều mà theo anh, rất nhiều người biết. Đó là, mỗi một thành công dù nhỏ nhất cũng đều phải “đánh đổi” bằng những nỗ lực sáng tạo và cống hiến “không được mệt mỏi” trong niềm say mê và cả khi... không say mê nghề nghiệp. Cùng với đó là sự tương trợ, tiến lui nhịp nhàng của cả một tập thể các anh em trong công ty.


Mặt bên bệnh viện đa khoa tỉnh 700 giường (2005)

Tôi tò mò dạm hỏi về ảnh hưởng của “Người anh cả của gia đình DAC” - TS.KTS Lê Tuấn - đối với anh? “Đó là một người anh cả theo đúng nghĩa! Người mà mỗi khi anh em cần là lại xuất hiện đúng lúc; người mà anh em thiếu cái gì là chu cấp đầy đủ cái đó. Khi anh em thiếu về vật chất thì chu cấp vật chất; khi anh em nao núng, xuống dốc về tinh thần thì vực dậy tinh thần; thậm chí khi anh em “bí” về nghề, lúng túng về đường hướng, không tìm ra được lý thuyết phù hợp... thì tìm cho anh em những lý thuyết hoàn toàn mới. Người anh cả ấy như một hậu phương vững chắc để các anh em DAC có thể yên tâm gạt bỏ mọi tạp niệm âu lo, toàn tâm xông pha nơi “tiền tuyến”. Cho nên, qua 6 năm cùng sống và làm việc, cùng chia ngọt sẻ bùi, chuyện ít nhiều chịu những ảnh hưởng cũng là điều đương nhiên và dễ hiểu".




Bệnh viện Nhi cấp tỉnh
...và rất nhiều công trình khác
“Đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng” - Câu nói của một vĩ nhân nhưng lại là phương châm dùng người của DAC mà anh rất thích. Tại đây, anh được “cháy” hết mình, thỏa sức làm hết khả năng trong một môi trường chuyên nghiệp, có tính hỗ trợ rất cao và cũng luôn được nhận về những giá trị xứng đáng. Tuy nhiên, anh cũng thành thật rằng: Bản thân anh cũng như mọi người trong công ty luôn phải chịu một áp lực trong sáng tạo rất lớn. Bởi, nơi đây đòi hỏi bạn phải biết rất nhiều thứ, từ những thứ “đường kim mũi chỉ” đến những thứ to tát lớn lao. Cũng như ở DAC, công trình sau luôn phải khác công trình trước - không ít không nhiều.


Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng chuông hẹn giờ từ điện thoại của anh - nhắc nhở đã đến giờ anh dạy con trai học bài. Và, chúng tôi đã kết thúc buổi trò chuyện tại đây, mặc dù vẫn còn khá nhiều điều tôi muốn anh chia sẻ cùng bạn đọc. Một kiến trúc sư đầy nhiệt huyết với nghề, một cuộc sống đời thường thật giản dị và là tác giả, đồng tác giả của những công trình mang hơi thở của thời đại đầy mới mẻ - đó chính là những cảm nhận của riêng tôi về KTS Hà Quang Hùng - một hiệp sỹ đang ngày ngày nỗ lực góp phần khẳng định giá trị của người kiến trúc sư qua những công trình mang dấu ấn “Made in DAC”.

Ths.KTS Hà Quang Hùng - Hiệp sỹ DAC

Sinh ngày 09 tháng 10;

Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội chuyên ngành Kiến trúc công trình;

Tham gia công tác tại công ty DAC từ năm 2004.

Chức vụ hiện tại: Phó Tổng Giám đốc kiêm Chủ trì bộ môn Nghệ thuật kiến trúc.

Chuyên môn chính: Concept and design; Chủ nhiệm đồ án hạng I.


Trần Anh

Theo tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 09/2010