Thời tiết
Giá vàng
Chứng khoán
Cập nhật: Thứ năm, 03/09/2009, 10:49 GMT+7
Dự án “Đại Paris”
Quy hoạch và quản lý đô thị là một quá trình cải biến không ngừng nhằm hướng đến một môi trường sống hài hòa, bền vững và công bằng cho mỗi người dân trong đô thị đó. Paris với kế hoạch Haussmann đã biến đổi sâu sắc, đưa thành phố này thành một trong những đô thành đẹp và lãng mạn nhất địa cầu. Không dừng lại ở đó, chính quyền nước Pháp đang khẩn trương xúc tiến dự án nhằm hướng Paris tới năm 2030.

Ngày 29 tháng 04, tổng thống Pháp Sarkozy đưa ra các đề xuất nhân dịp triển lãm tại Cung kiến trúc và di sản Paris. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiệm kỳ năm năm tổng thống mà ông Sarkozy muốn nhắm tới và ông đã yêu cầu khoảng một chục kiến trúc sư suy nghĩ về hồ sơ này và trình bày đồ án đang được trình bày tại Trung tâm Kiến trúc và di sản.

Trong bài diễn văn đọc hôm 29.04 tại Trung tâm Kiến trúc và di sản, tổng thống Nicolas Sarkozy đã công bố những đường nét chính của dự án quy hoạch một vùng rộng lớn bao gồm thủ đô Paris, các khu ngoại ô và các sân bay quốc tế, nhằm biến cả vùng “Đại Paris” thành đầu tàu kinh tế cho cả nước Pháp và Châu Âu. Tổng thống Sarkozy mong muốn công trình được khởi động ngay từ năm 2012, với mục tiêu là thực hiện tốt mọi kế hoạch trước năm 2030.

Các ý tưởng được trưng bày tại đây bắt đầu từ ngày 29 tháng tư, bao gồm 10 đề xuất của các kiến trúc sư phụ trách đề án được Sarkozy giao phó vào ngày 17 tháng 9 năm 2007 nhằm dự kiến « một dự án mới về quy hoạch tổng thế ». Cũng chính tổng thống Pháp là người chính thức khởi động dự án «Đại Paris. ».
Các kiến trúc sư được mời tham gia đề xuất đều là những tên tuổi lớn của làng kiến trúc thế giới như các kiến trúc sư người Pháp Jean Nouvel, Christian de Portzamparc, kiến trúc sư người Anh Richard Rogers, và các quy hoạch gia tầm cỡ người Ý Bernado Secchi, Yves Lion, Atoine Grumbach, Finn Geipel (Đức), Winy Maas (Hà Lan),và Djamel Klouche, một kiến trúc sư nổi tiếng trong lĩnh vực quy hoạch các khu ngoại ô. Trong 9 tháng, những người này phụ trách các nhóm làm việc khác nhau. Thành phần của các ê kíp làm việc này không chỉ gồm các kiến trúc sư mà còn có sự tham gia của các kỹ sư, các nhà xã hội học, địa lý học, các kinh tế gia và nghệ sĩ... Cuối cùng, công việc của các nhóm với cả nghìn đề xuất được ghép lại tạo thành một đề án quy hoạch tổng thế của Paris.

Đề án của Djamel Klouche

Quá trình nghiên cứu và đánh giá rất nghiêm túc. Bị bó chặt không gian trong khu nội đô, Paris ngột ngạt trong diện tích 105km2 nhỏ bé của thành phố, nội đô Paris chỉ bằng 1/12 diện tích London và 1/8 diện tích Berlin. Bên ngoài nội thành là các khu ngoại ô rộng lớn lộn xộn xen kẽ các khu dân cư lọt thỏm ở giữa, các quần thể kiến trúc khổng lồ, những trung tâm thương mại vô tận, và cả những khu đất hoang bị lãng quên. Chưa kể thời gian đi lại di chuyển điên rồ và sự chênh lệch về kinh tế một cách nghiêm trọng. Về tổng thế, như Winy Maas kết luận thì Paris tổng quan là « một thành phố xấu xí ».


Đề án của Winy Maas

Chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực quy hoạch ngoại ô, Roland Castro kết luận “cần phải xóa bỏ thứ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong quy hoạch. Đảm nhận một công việc nghiêm túc, chúng tôi phải thực hiện lại ở tầm lớn hơn dự án « bình định đô thị » đã thành công bởi Haussmann ở nội ô Paris, với một không gian công cộng bình đẳng và cùng sẻ chia hơn ».

1. Paris xanh
Paris tương lai trong mắt của các kiến trúc sư sẽ là một « Paris xanh », kết thúc thời kỳ thống trị của xe hơi và sự chi phối của nó đối với toàn thể các chính sách đô thị. Ở ngoại ô cũng như trong các trung tâm nội đô sẽ đa phần sẽ là các loại xe hơi dùng điện, xe đạp và các phương tiện giao thông công cộng. Màn đêm buông xuống, dưới ánh sáng của những ngọn đèn đường tiết kiệm năng lượng là những đoàn tàu điện dùng vận chuyển hàng hóa từ các bến bãi lưu trữ ở ngoại ô thành phố. Cải cách hệ thống vận chuyển này giúp giảm bớt diện tích của đường giao thông nhường chỗ cho diện tích các công viên, quảng trường và đường dành cho người đi bộ. Giảm thiểu tiếng gầm rú của động cơ ô tô, sự ngột ngạt của khí thải sẽ giúp Paris trở nên dễ chịu hơn.


Đề án của Roland Castro

Cuộc cách mạng xanh tiếp tục được thực hiện ngay cả trong lòng đất « Ngay dưới lòng đất của các công viên, chúng ta có thể kết hợp xây dựng các trung tâm xử lý rác thải cũng như sản xuất điện và cung cấp nhiệt sưởi ấm. » Richard Rogers khuyến nghị. Không dừng lại ở đó, nếu chúng ta ngước lên, điều kì diệu sẽ còn tiếp tục : Trên những mái nhà kiểu mới màu kẽm của kinh đô ánh sáng xen kẽ hàng loạt những tấm pin năng lượng mặt trời, kèm theo là những « tấm thảm xanh » của những khu vườn treo lớn sẽ thu nhận nước mưa và tạo thành lá phổi xanh của thành phố ngay giữa hàng loạt những trạm phát điện mini chạy bằng sức gió.


 “Paris xanh” của Jean Nouvel

2. Những tòa nhà cao tầng ở đường chân trời.
Dưới ngọn chì của Jean Nouvel, Paris vào năm 2030 sẽ có tầm cao mới. Những tòa nhà cao tầng kiểu mới vươn lên bầu trời thủ đô thành những trục lớn xung quanh vùng ngoại ô. Những điểm nhấn đô thị này hướng tới việc tạo ra bộ mặt mới cho thành phố, một dáng hình vừa xa lạ vừa quen thuộc, vừa thanh mảnh vừa to lớn. « Di sản của chúng ta bao gồm những yếu tố về chiều dọc- những tháp chuông nhà thờ, tháp nước, lâu đài có thể là cảm hứng cho những tòa cao ốc mới ». Jean Nouvel nhấn mạnh. Những tòa nhà cao tầng kiểu mới thực sự là khuôn mẫu cho sự phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa khu dân cư với văn phòng và sản xuất năng lượng, bao quanh là những khu vườn rộng mở.

Một trăm bốn bảy tòa cao ốc đã có lâu nay ở Paris sẽ được tân trang lại. Biểu tượng của thủ đô Paris, tòa tháp Montparnasse sẽ được sửa chữa và trang trí lại phần đỉnh tháp theo đề xuất của Frank Gehry và xây thêm ba cao ốc khác liền kề nhằm giảm bớt sự đơn độc và tầm thường của tòa tháp cao hơn 200 mét này.
Khoác áo cho bầu trời chỉ là một phần nhỏ, người ta còn có thể dạo bộ trên đó. «Những ban công kiểu Paris» được đề xuất nối liền các tòa tháp, nhô ra các công viên và chạy dọc các khu phổ mới, giống như ở khu Batignolles hiện nay. «Đó là những khu sân ở trên cao và rộng rãi, với những phố dạo bộ rộng 30m, nhiều tầng khác nhau và kéo dài cũng như nối liền các tòa nhà và các công trình khác, tạo nên một kết cấu không gian công cộng mới và một nhịp điệu đô thị khác ».

3. Một nhà ga lớn Bắc Pháp- Châu Âu.
Tại bốn phương của «Đại Paris», những nơi cao báo hiệu trên bầu trời vùng Ile-de-France những trung tâm mới của vùng, sẽ làm cân bằng về mặt địa lý và kinh tế của cả vùng rộng lớn : Massy và vùng cao nguyên Saclay, khu Bourget và Roissy, Orly và Rungis, cảng Gennevillier, công viên La Courrneuve…Aubervilliers, nơi sẽ xây dựng các khu cao ốc, tạo thành khu phố thương mại được dựng nên cạnh một nhà ga mới toanh, nhà ga Bắc – Châu Âu, sẽ nối liền Paris với London, Bruselle, Rotterdam và Frankfurt.

« Paris có may mắn trở thành ngã tư của hệ thống đường sắt cao tốc, nhưng các nhà ga hiện có (gare miền Tây và ga miền Bắc) không cho phép tạo nên một trung tâm thực sự » kiến trúc sư Christian de Portzamparc nhận xét. Để vận hành hiệu quả, một trung tâm giao thông đường sắt như vậy cần có một trung tâm hội nghị, các khách sạn tiêu chuẩn, các văn phòng với đầy đủ dịch vụ cần thiết. Phải có nơi để mọi người có thể gửi xe và con cái của họ ở đó cả ngày- Đó là lý do cần phải chuyển các nhà ga hiện nay tới Aubervilliers, cũng như điều chỉnh các hoạt động kinh doanh về hướng Đông Bắc thay vì tập trung tất cả vào khu La Défense, và hoàn thiện việc phát triển khu Plaine-Saint- Denis.

Việc quy hoạch lại hệ thống nhà ga này cũng có ưu điểm lớn là sẽ tạo thêm các đại lộ mới và các công viên lớn khi chuyển đổi các nhà ga cũ và toàn bộ hệ thống đường sắt hiện có.

4. Những công trình rải rộng khắp.
Bên cạnh các nhà ga, vào năm 2030, thủ đô nước Pháp sẽ phân bố lại các công trình kiến trúc và các kết cấu hạ tầng khác trải rộng khắp trên toàn bộ lãnh thổ. «Paris cần phải thể hiện một chính sách đô thị mới thông qua việc xây dựng các công trình văn hóa ở vùng ngoại ô» Roland Castro kiến nghị. Để đáp ứng nhu cầu giải trí cuối tuần cũng như dã ngoại của học sinh, các công trình lớn sẽ được xây dựng ở vùng ngoại ô như Viện bảo tàng tưởng niệm thế giới, hội chợ triển lãm Gênse, nhà hát… Những công trình này sẽ phần nào giảm bớt sự thiếu hụt các công trình văn hóa ở các khu ngoại ô.

Chính phủ sẽ làm gương trước tiên. Khoảng hai mươi cơ quan cấp bộ và các cơ quan hành chính lớn sẽ chuyển tới Créteil, Clichy, Sarcelles và Gennevilliers. « Phân bổ lại các bộ ra vùng ngoại ô điều đó cũng giúp ích cho việc tạo ra lợi ích công cộng ở khắp nơi », Roland Castro lập luận. Biểu trưng cho quá trình này sẽ là trụ sở của «Đại Paris», một tòa nhà tiết kiệm năng lượng và đảm bảo tiêu chuẩn môi trường được xây dựng tại điểm hợp lưu của sông Seine và sông Marne.

5. Những khu ngoại ô nhân văn hơn.
Dĩ nhiên quan trọng hơn việc thiết lập những công trình khổng lồ là việc mỗi km lãnh thổ phải được chăm sóc để tạo cho nó một bộ mặt đô thị: Mạng lưới đường phố và đại lộ chạy dọc các khu dân cư cho phép lưu thông từ khu vực này sang khu vực kia môt cách thuận tiện.«Mạng lưới đường cao tốc và đường sắt đã có làm gia tăng thêm nhiều hố ngăn cách và làm cho lãnh thổ bị chia cắt đứt đoạn » Christian de Portzamparc phân tích. Để khắc phục người ta sẽ thiết lập các cầu vượt và hầm dành cho người đi bộ xuyên qua các đường quốc lộ, đường cao tốc cũng như đường sắt.

 6.Những khu dân cư rộng rãi.
Vào năm 2030, người dân Paris có thể cư trú ở mọi nơi trên toàn bộ thủ đô. Lâu nay họ luôn phải đối mặt với giá nhà cao ở đây và buộc phải chuyển ra sống ở các vùng rất xa trung tâm thành phố. 20 năm tới tình trạng này sẽ được khắc phục, mỗi năm sẽ có khoảng 60.000 chỗ ở mới. «Đại Paris » vào năm 2030 sẽ có thêm 1.5 triệu dân so với năm 2009. Người dân có thể xây nhà ở khắp mọi nơi và nhờ thế làm hạ giá nhà đất bằng 2 nguyên lý đơn giản : Làm cho giá đất rẻ hơn thông qua tăng nguồn cung và xây dựng nhà cửa ở những khu vực lâu nay người ta cho là không thể.

Để làm được đó, kiến trúc sư Yves Lion cho rằng «Chúng ta phải chấp nhận việc dân cư sống gần các khu vực đường xá, giống như những gì mà người Hà Lan đã làm thay vì buộc dân cư sống cách xa các khu vực này như bấy lâu nay. Để làm điều này, người ta kiến nghị bãi bỏ quy định mang tên Dupont vốn cấm xây dựng trong vòng 100m kể từ các con đường có mật độ lưu thông cao.«Người ta hoàn toàn có thể xây dựng ở cả những nơi có nguy cơ lũ lụt, cần phải chấm dứt nguyên tắc phòng ngừa vốn chỉ giúp ích cho các ông tỉnh trưởng ăn no ngủ kỹ ». Roland Castro tuyên bố.

7. Hạn chế sử dụng xe hơi.


Giao thông nội đô Paris tương lai của Rogers Stirk Harbour

Sẽ có khoảng 270km2 đất lâu nay là những con đường chật đầy xe cộ sẽ được chuyển đổi thành các đại lộ có cây xanh thuận tiện cho người đi bộ chạy dọc theo các khu dân cư, trên các con đường « kiểu mới này » sẽ cùng lúc có tàu điện xe đạp cùng song hành với xe hơi.

Người ta cũng sẽ sử dụng xe hơi ít đi bằng cách tăng thêm các khu vực cấm xe hơi và tăng giá xăng đồng thời khuyến khích dân chúng sử dụng các phương tiện giao thông sạch khác. Sự bùng nổ của mua sắm thông qua mạng internet làm nảy sinh thêm hàng trăm trung tâm giao hàng trở thành các trung tâm tập trung của các khu dân cư. Một mô hình phỏng theo Konbini của Nhật, hệ thống các siêu thị nhỏ dựa trên dây chuyền phân phối sản phẩm được quản lý tốt và tin học hóa nhằm giảm thiểu việc vận chuyển. Người dân có thể đi mua sắm thông qua việc lướt web, trả tiền và nhận hàng mà không cần phải di chuyển.

Đến năm 2030, việc đi lại bằng ô tô trong khu vực Paris sẽ giảm đi đáng kể. Thông qua quá trình cơ cấu lại các trung tâm kinh tế và hệ thống giao thông công cộng. Kế hoạch này liên quan đến việc xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm chạy xung quanh thành phố Paris và nối liền các trục kinh tế, như là Roissy, Orly, La Defense, v.v…


Nhiều tuyến xe “lộ thiên” trong mắt của kiến trúc sư Christian de Portzamparc

Có tên là “Grand Huit” và dài khoảng 130 cấy số, hệ thống métro này sẽ nối kết tất cả các trạm chót của các đường tàu điện ngầm và xe bus có sẵn. Số tiền đầu tư vào dự án này là 21 tỷ đôla.
Dự án « Đại Paris » cũng sẽ trả lại cho thiên nhiên vị trí xứng đáng của nó thông qua việc tăng thêm các công viên và hồ nước tại thủ đô và vùng phụ cận. Chính quyền cũng cho phép người dân thành phố trồng cây ở những khu vực có thể. Ngoài ra còn thiết lập một vành đai rừng cũng như các khu vực nông nghiệp ngay trong thành phố, «Nông thôn không còn được xem như là sự kéo dài tự nhiên của thành phố cũng như không đơn thuần là một nơi để nghỉ ngơi giải trí mà đó phải là một bộ phận không thể tách rời của không gian đô thị và của nền kinh tế đô thị » Yves Lion giải thích. Để đạt được mục tiêu này, các nhà hoạch định dự án đưa ra tiêu chỉ khai thác sử dụng bền vững các khu rừng của thủ đô. Theo đó đến năm 2030 diện tích rừng của vùng sẽ tăng thêm 30%, với 1400km2 rừng được tăng thêm bổ sung cho 4500km2 hiện có sẽ tạo cho Paris và vùng phụ cận một thảm thực vật rộng lớn góp phần cung cấp gỗ để sưởi ấm vào mùa đông cũng như làm vật liệu xây dựng…góp phần chống lại các ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu.


Paris xanh của Finn Geipel

Hoàng Thu Hiền
kienviet.net
Trang inGửi cho bạn bèÝ kiến của bạn?Thông tin thảo luận.
Thông tin khác:
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn chọn tư vấn kiến trúc nào?
Công ty trong nước
Công ty nước ngoài
Công ty liên doanh
KTS hành nghề tự do
Khác
Bản quyền trang web thuộc về: Công ty Tư vấn và Thiết kế Kiến trúc Việt Nam
Ghi rõ nguồn www.dac.vn khi phát hành lại các tin tức lấy từ trang này
Liên hệ:
congtydac@gmail.com - Điện thoại: (04).3768.5599    Fax: (04).3795.0335
Địa chỉ: Số 8, ngõ 82 Phố Dịch Vọng Hậu, Khu công nghệ thông tin tập trung, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội   (xem bản đồ)