Cập nhật: Thứ bẩy, 11/09/2010, 08:12 GMT+7
Một số ý kiến góp ý đồ án quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050

Trong không khí sôi nổi nhân dịp Quốc hội thảo luận về Quy hoạch chung Hà Nội tại kỳ họp thứ 7 khóa 12, Ban biên tập website DAC.VN cùng các kiến trúc sư, quy hoạch gia, chuyên gia... đang công tác tại Công ty Tư vấn và Thiết kế Kiến trúc Việt Nam đã có buổi trò chuyện, trao đổi cùng đồng chí Tổng Giám đốc TS.KTS Lê Tuấn về đồ án này. DAC xin trích đăng một số nội dung của cuộc trao đổi:

BTV: Xin đồng chí Tổng Giám đốc cho một vài nhận xét tóm lược về hướng phát triển không gian của đồ án Quy hoạch chung Hà Nội lần này (sau đây gọi tắt là Đồ án) mà đơn vị tư vấn đã đưa ra.

TS.KTS Lê Tuấn:
Phía Đông Hà Nội là hướng bố trí nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế lớn, nhu cầu tập trung rất nhiều lao động; Nhưng không gian mới lại phát triển chủ yếu sang hướng Tây.
Để tránh sự di chuyển Đông-Tây hàng ngày trên mặt đường; Đồ án cần chỉ rõ hơn nữa các cơ sở kinh tế ở phía Tây nhằm giải quyết vấn đề lao động & việc làm tại chỗ. Cần đặc biệt ưu tiên quan tâm đến các cơ sở kinh tế dịch vụ tập trung và đủ lớn, tránh phân tán, tự phát, dàn trải và hình thành không chính thức, sẽ gây mất cân bằng và áp lực cho các khu dân cư sau này.

BTV: Hiện tại có nhiều quan điểm rất khác nhau về cấu trúc chiến lược của đô thị trong Đồ án này. Là một quy hoạch gia đã thực hiện rất nhiều đồ án quy hoạch vùng, quy hoạch chung, xin hỏi quan điểm của Tiến sỹ về cấu trúc chiến lược của Đồ án này, đặc biệt là về 5 đô thị vệ tinh?

TS.KTS Lê Tuấn: Tại sao phải cần nhiều đô thị vệ tinh đến như vậy? Không có lý thuyết nào quy định phải nhiều như vậy. Do đó nên xem xét bỏ hai đô thị vệ tinh ở Sóc Sơn và Phú Xuyên để tránh dàn trải, lãng phí (hạ tầng, vốn, đất); tập trung phát triển ba vệ tinh còn lại cho đủ lớn làm đối trọng tương hỗ với trung tâm Hà Nội, tạo tính khả thi cao cho các quá trình đô thị hóa. Lý do như sau:

- Sóc Sơn là núi trấn Bắc của Hà Nội, có địa hình phức tạp, cảnh quan đẹp. Nếu phát triển đô thị như đề xuất ở đây thì phải trả giá đắt, bởi sẽ không giữ được giá trị nhiều mặt về thiên nhiên- lịch sử - con người. Vì vậy nên giữ nguyên thị trấn cũ và xây khu vực thành công viên rừng Thành phố.

- Phú Xuyên là vùng đất yếu, rất gần Phủ Lý & Hưng Yên, tam giác này là vùng đất lúa “thượng đẳng điền" của ĐBSH. Nếu xây dựng đô thị lớn ở đây, nó dễ hội sư với Hưng Yên & Phủ lý thành vùng đô thị hóa lớn và nguy cơ mất vùng lúa ở cả 3 tỉnh thành là rất cao. Do vậy chỉ nên phát triển ở đây 1 vùng công nghiệp tập trung (như ý đồ của Hà Tây cũ) nhằm tận dụng lợi thế của Sông Hồng, đường sắt, đường bộ..vv, và tạo tiền đề cho Phủ Lý và Hưng Yên phát triển thành vệ tinh lớn của Hà Nội.

- Mặt khác cần lưu ý thêm việc 3 đô thị vệ tinh phía tây (Hòa lạc, Xuân Mai và Sơn Tây) rất gần nhau (chuỗi mỗi đô thị cách nhau khoảng 10km), khi có định hướng đầu tư phát triển ở đây thì xu hướng cả 3 nhập vào nhau rất lớn, thành đô thị lớn, sức hút lớn. Vì vậy chưa cần phát triển Sóc Sơn và Phú xuyên, thì Hà Nội đã là đại thủ đô rồi, không cần Bắc tiến và Nam tiến nữa.

BTV: Tiến sỹ có nhận xét gì về vị trí xây dựng khu hành chính Quốc gia?

TS.KTS Lê Tuấn: Khu Hành chính Quốc gia khi được xây dựng ở vị trí thỏa mãn các điều kiện: (1) Sức giao dịch đối ngoại của khu phải là lớn nhất, tiện lợi mọi miền đất nước đến nhanh nhất. (2) Có phong thủy tốt để thỏa mãn ước vọng bền vững ngàn năm. (3) Cần nổi bật nhất bởi đây là một trong những mục tiêu chính yếu của quy hoạch thành phố Thủ Đô. (4) Tạo điều kiện tốt cho việc an ninh, bảo vệ thường xuyên và đặc biệt là khi có sự kiện lớn của quốc gia và quốc tế. (5) Đủ điều kiện để xây dựng những công trình lớn, vĩ đại mang tầm quốc gia, quốc tế.

Với các tiêu chí trên đây, việc đặt khu hành chính tại Đồng Mô Ba Vì là chưa thỏa đáng.

BTV: Đồng chí có thể giải thích rõ hơn về 5 điều kiện trên?Tại sao Đồng Mô Ba Vì lại không đáp ứng được 5 tiêu chí đó?

TS.KTS Lê Tuấn: Việc đặt khu hành chính tại Đồng Mô Ba Vì là chưa thỏa đáng vì:
1. Thứ nhất (về cự ly, khoảng cách): Cự ly quá xa trung tâm và không tiện lợi về giao thông (ngoài tuyến đường Hồ Chí Minh ra, các tuyến khác như thủy bộ, sắt và hàng không đều không có); Đi từ sân bay Nội Bài đến đây mất khoảng 60 – 70 km gây bất tiện và chi phí cao cho các giao dịch từ mọi miền đất nước.

2. Thứ hai (về phong thủy):
- Với cuộc đất như hiện nay, Ba Vì được xem như Bạch hổ trấn Tây của Hà Nội (Sóc Sơn là Huyền Vũ, Phật Tích là Thanh Long, Ba Vì là Bạch Hổ...vv). Việc đặt trung quân vào Bạch hổ  là đại kỵ.

- Núi Ba Vì trải dài hình 1 con rồng hướng về Bắc (đuôi ở Đồng Mô, lưng là cao điểm 1.500m, đầu là K9, đây là dương long. Dưới núi còn có 1 mạch ngầm nước khoáng lớn với bụng chứa ở Thuận Mỹ, Thanh Thủy, và đuôi vẫn ở Đồng Mô - đây là âm long). Bản thân hồ Đồng Mô không phải là tụ thủy tự nhiên mà là hồ chứa nhân tạo, tác giả chọn vị trí ở đây theo cục diện "tọa sơn hướng thủy", thực chất ở đây là "tọa" vào "đuôi rồng", "hướng" về "thủy bức", như vậy là bất tường về quan niệm phong thủy.

- Tính trên cục diện chung so với tâm Hà Nội, điểm đặt khu Hành chính hiện nay theo quan niệm phong thủy thì không phải là cuộc đất sinh mà là đất kiệt (hoặc kẹt), điểm khuất kết thúc hình long (giống như kết thúc của đường hành lang)...vv, là nhược chứ không cường.

3. Thứ ba (về sự nổi bật do yêu cầu của mục tiêu chính yếu): Với tiêu chí này thì Đồng Mô hoàn toàn không thể đáp ứng được, bởi nó không phải là điểm có thể tạo nên vị trí “Trung quân”, không phải là điểm nhấn thị giác trong bố cục không gian tự nhiên hiện hữu của thủ đô, nên không thể tạo nên sự nổi bật trong không gian thủ đô Hà Nội được.

4. Thứ tư: Vị trí Đồng Mô sẽ rất khó khăn cho tình huống tập trung đông người, cho công tác bảo vệ, an ninh và tương tự khác...vv Bài học của cấm đường phục vụ APEC 2008 làm cả Hà Nội náo loạn là một ví dụ.

5. Thứ năm: Địa chất của khu vực Đồng Mô khá phức tạp, sẽ rất khó khăn nếu xây dựng những công trình vĩ đại ở đây.

Với những bất cập như vậy, Đồ án cần được nghiên cứu kỹ hơn cho việc đặt khu hành chính với yêu cầu bền vững, trường tồn với thời gian. Không nên xem nhẹ việc di chuyển theo giai đoạn; bởi đó thực chất là việc “dời đô”, nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguyên khí Quốc gia và đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của toàn dân.

BTV: Bằng kinh nghiệm của một quy hoạch gia - chiến lược gia, Tiến sỹ đánh giá như thế nào về cấu trúc các đô thị và đô thị lõi mở rộng được đơn vị tư vấn đưa ra trong Đồ án này - đặc biệt là hệ thống giao thông?

TS.KTS Lê Tuấn: Có mấy vấn đề như sau:
1. Về giao thông đối ngoại của vùng lõi và lõi mở rộng: 
- Hệ thống giao thông đối ngoại (xuyên tâm và vành đai) ở đô thị trung tâm được quy hoạch chỉ có khoảng 320 km, mật độ này chỉ đạt khoảng 0,39 km/km2 là hơi thấp. Tiêu chí này chỉ phù hợp với các đô thị cỡ vừa và nhỏ  thuộc tỉnh, riêng thành phố thủ đô thường có sức giao dịch rất lớn (lượng người giao dịch hàng này có thể gấp 2, 3 lần, thậm chí có 1 số thủ đô gấp tới 10 lần dân số định cư).

Tạm tính ở vùng lõi hàng ngày có khoảng 3 triệu lao động tại chỗ, 50% lao động con lắc và 50% giao dịch công cộng ngoại tỉnh, khi đó tại giờ cao điểm sẽ có khoảng 5 triệu người di chuyển. Hệ thống đường như quy hoạch này trung bình chỉ đạt 2 m2/người/ph.tiện, Khi đó mật độ người sẽ khoảng 1,7-1,8 vạn người/km đường....vv, khả năng tắc đường ở giò cao điểm rất cao.

Đề nghị bổ sung thêm một số đường vành đai và xuyên tâm ở vùng lõi (từ trung tâm đến đường vành đai 4), tăng khả năng thoát người của giao thông đối ngoại.

2. Cấu trúc của các khu vực lõi mở rộng:
Vùng lõi mở rộng có khoảng 7 khu đô thị, mỗi khu khoảng 20 vạn dân (tương đương với 1 thành phố thuộc tỉnh), các khu vực đô thị này được thiết kế với cấu trúc phát triển kiểu ô bàn cờ là chủ yếu. Nhược điểm của cấu trúc này là đi lại bất tiện do mật độ tập trung và nén ở 2 cạnh góc vuông lớn, xung đột tại nút cao.

Do vậy nên phối hợp thêm kiểu cấu trúc phát triển mạng tam giác, cấu trúc này đi lại, thoát người người tốt hơn. Đồng thời dễ phân cực, dễ tạo tính đa cực trong khu, dễ hình thành hơn các trung tâm trong khu và cũng dễ tạo các vùng nén mạnh hơn trong khu nhằm hướng các hoạt động đô thị vào nội khu, giảm tải cho giao thông ngoài khu.

3. Tại các khu vực đô thị lõi mở rộng, cũng nên có hệ thống đường vành đai và xuyên tâm riêng của nó, có hạ tầng dịch vụ riêng phục vụ tại chỗ cho chính nó, điều này là nhân tố tích cực làm giảm sự di chuyển thừa trên đường phố chính.

BTV: Còn về một trong những vấn đề rất quan trọng của các đồ án quy hoạch là cơ cấu sử dụng đất. Mặc dù là quy hoạch chung nhưng qua một số tài liệu sơ bộ do tư vấn trình bày, Tiến sỹ có nhận xét hay góp ý gì?

TS.KTS Lê Tuấn: Cần xem xét lại trong bản vẽ quy hoạch, ở đây có quá nhiều loại đất tô mầu đỏ được chú thích là đất hành chính (mật độ chiếm khoảng 25-30%)? Đây có lẽ là sự nhầm lẫn khi chú giải (bởi đất này nếu chỉ dùng cho công trình hành chính thì quá nhiều). Mà chắc hẳn đây là các trung tâm tổng hợp cấp khu vực đô thị, cấp quận, phường (tại đó sẽ bố trí các công trình như: Trụ sở cơ quan, các công trình hạ tầng xã hội, công trình thương mại tài chính và hạ tầng dịch vụ đô thị khác ...vv theo các cấp sử dụng)

Về điểm này cần sửa cho đúng với tính chất sử dụng đất; Đồng thời kiến nghị nên hình thành rõ hơn hệ thống trung tâm đô thị các cấp ở các khu vực đô thị ở vùng lõi mở rộng. Hệ thống này cần phân cực rõ và được chuẩn hóa về cấp độ và tính chuyên dùng; tạo tiện ích sử dụng thường xuyên hàng ngày, hàng kỳ ngay tại khu vực, tránh di chuyển thừa trên mặt đường và tiện cho xây dựng từng phần đô thị.

BTV: Trục Thăng Long - điểm nhấn nổi bật nhất của Đồ án và cũng là điểm gây tranh cãi nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quan điểm của Tiến sỹ về trục này như thế nào?

TS.KTS Lê Tuấn:
Có được 1 tuyến như vậy là rất tốt (do mật độ đường đối ngoại trong đồ án còn đang thấp), tuy nhiên cần cân nhắc về quy mô mặt cắt và lộ trình xây dựng phù hợp với tính chất của từng đoạn tuyến:

- Đoạn đầu (từ trung tâm đến đường vành đai IV) có giá trị cao về nhiều mặt, có thể ưu tiên xây dựng trước.

- Đoạn sau (từ Vành đai IV đến Đồng Mô) thì tính hiệu ích chưa cao. Để khắc phục được điểm này, nên chăng kết hợp với việc bỏ bớt 2 đô thị vệ tinh (Phú Xuyên & Sóc Sơn) và mở rộng Hòa Lạc về phía Bắc tiệm cận với trục này thì đoạn tuyến này rất hợp lý. Đoạn tuyến này chỉ xây dựng khi đô thị Hòa Lạc đã phát triển mạnh theo chiều sâu.

BTV: Vừa rồi Tiến sỹ có phân tích về cấu trúc các đô thị và hệ thống giao thông. Xin Tiến sỹ giải thích rõ hơn về những vấn đề giao thông mà trong Đồ án này còn chưa thực sự hợp lý?

TS.KTS Lê Tuấn: Xin nhắc lại đề xuất tăng mật độ giao thông đối ngoại cho vùng lõi (mới và cũ) đã nêu ở trên, ngoài ra có thêm một số đề nghị sau:

1. Đối với hệ thống giao thông đối ngoại:
Nên phân tầng mạnh bằng việc chỉ dành riêng nó cho mục tiêu đi lại, không kết hợp với các sinh hoạt khác của đô thị (Vì nếu kết hợp thì rộng bao nhiêu cũng không đủ). Vì vậy các tuyến này không nên làm vỉa hè, thay đó bằng các dải cây xanh ngăn cách với các khu chức năng đô thị.

Tại dải xanh này chỉ bố trí các dịch vụ mặt đường và các đường dẫn vào từng khu, chứ không cho khai thác vỉa hè truyền thống để làm dịch vụ Đô thị. Từ đó buộc tất cả các dịch vụ chức năng đô thị phải hướng vào nội khu chuyên dụng của nó. Khi đó mới có thể phân tầng rõ về mặt giao thông được và mới đảm bảo cho đô thị xanh - sạch - đẹp đúng nghĩa.

2. Về hệ thống đường sắt và tàu điện ngầm đô thị:
- Hệ thống này được quy hoạch quá dày đặc, chồng chéo, giao cắt phức tạp, nhiều mạch hở với các tuyến và hệ thống ga trung tâm, ga trung chuyển...vv. Rất thông cảm vì đây là chuyên ngành sâu nên khó có thể xác định sâu được tính hợp lý của nó.

- Nhìn nhận một cách khái quát là nếu xây dựng như vậy sẽ khó khả thi đối với điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng Hà Nội. Bởi đây là vùng địa chất yếu, nhiều chỗ sâu tới 36m bùn; các nhà cao tầng hiện nay thường phải gia cố cọc móng ở độ sâu 70-80 m, việc xây dựng hệ thống sẽ Metro rất khó khăn. Giá phải trả là vốn đầu tư sẽ cực lớn vượt quá khả năng thanh toán của nền kinh tế, việc vận hành cũng rất phức tạp và chi phí cao.

Việc nghiên cứu này là quá sức của đơn vị Tư vấn và các ngành tham gia thẩm định phê duyệt. Vì vậy, nên tách mục này thành một chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu riêng, thẩm định và phê duyệt riêng không nên ôm đồm vào quy hoạch này.

3. Đối với khu vực phố cổ:
Cần nghiên cứu một đường vành đai nữa tiếp giáp trực tuyến với khu vực phố cổ, từ đó có thể hạn chế các loại xe vào phố cổ;  tạo điều kiện cho việc giảm bớt nguồn lợi của khu phố cổ, giảm sức nén của phố cổ, tạo cơ hội cho việc bảo tồn, chỉnh trang và cải thiện môi trường phố cổ.

BTV: Có một thực tế là khoảng cách giữa ý tưởng trong các đồ án và kết quả thực hiện các đồ án quy hoạch ở nước ta còn rất xa. Với Đồ án này - một đồ án rất lớn về cả quy mô, tính chất, thời gian thực hiện và cả vấn đề tài chính, nguồn vốn - Tiến sỹ có kinh nghiệm gì về quản lý để có thể thu hẹp khoảng cách giữa ý tưởng và hiện thực, để việc tổ chức thực hiện trở nên khả thi, hợp lý?

TS.KTS Lê Tuấn: Do đồ án phát triển dàn trải với vốn đầu tư lớn, khả năng vượt quá sức thanh toán của nền kinh tế rất cao, do vậy việc tổ chức thực hiện cần phải xem xét kỹ như sau:

1. Nên phát triển dần từng khu vực đô thị:
- Xem xét, cân nhắc lựa chọn từng khu, xây dựng từng bước nhưng hoàn chỉnh và đồng bộ để có thể sử dụng từng phần, tránh dàn trải, gây sự đuối sức, gây nguy cơ sụp đổ cục bộ cho thị trường bất động sản. Trong đó giai đoạn 2010 -2020, nên ưu tiên phát triển trước khu vực giữa trục Hòa Lạc và trục QL32 (khu có trục Thăng Long đi qua) tạo điểm nhấn đầu tiên cho Hà nội.

- Trước khi xây dựng khu vực đô thị nào đó, cần điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung cho Đô thị này (hoặc quy hoạch chung lại ở tỷ lệ nhỏ hơn, rõ hơn) nhằm tạo tính hợp lý cao hơn cho nó.

2. Nên xem xét kỹ hơn các dự án ưu tiên:
Xác định cụ thể hơn nữa các dự án ưu tiên theo giai đoạn, nhằm tập trung các nguồn lực đầu tư.

3. Nên xem xét tính khả thi của nguồn vốn:
Không nên quá đặt hy vọng vào nguồn vốn đầu tư xã hội và thị trường bất động sản, bởi một mặt trái của nó là làm mất cân bằng cho các hoạt động đầu tư vào sản xuất kinh doanh chủ lực khác trực tiếp tạo ra của cải và thặng dư xã hội; mặt trái khác là tạo điều kiện cho giới đầu cơ đất đai kiếm lời. Tài nguyên này cần phải tính toán hợp lý để dành cho đời sau khai thác sử dụng.

BTV: Dưới góc độ một nhà tư vấn lập quy hoạch nhiều kinh nghiệm, theo Tiến sỹ cần làm gì để Đồ án này hoàn thiện hơn?

TS.KTS Lê Tuấn: Những ý kiến, nhận định, chia sẻ trên đây chỉ là 1 vài điểm chính yếu. Để đồ án thực sự sâu sắc và tối ưu, cần rà soát lại toàn bộ nội dung của đồ án theo hướng gia tăng tính định lượng của các thông số kinh tế kỹ thuật trong đồ án, tạo cho đồ án có tính khả thi hơn.

Xin cảm ơn Tiến sỹ

(Ban biên tập website DAC.VN thực hiện, tháng 5 năm 2010)

www.dac.vn